WECOME TO ARTLANTIS FEROTHAI

Artlantis là độc lập dựng hình nhanh nhất ứng dụng phát triển đặc biệt cho các kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế, lý tưởng cho một cách nhanh chóng và dễ dàng tạo dựng hình 3 chiều độ phân giải cao, QuickTime VR panoramas, QuickTime VR Đối tượng và hình ảnh động. Một nhà lãnh đạo trong công nghệ cửa sổ xem trước, Artlantis là phần mềm dựng hình được sử dụng bởi các kiến ​​trúc sư, nhà thiết kế và chuyên gia thiết kế đô thị ở hơn 80 quốc gia.

Trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

TRUNG QUỐC VI PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM

HIỆN TRƯỜNG TÀU CHIẾN TRUNG QUỐC VÀO VÙNG BIỂN PHÚ YÊN, UY HIẾP TÀU ĐỊA CHẤN CỦA VIỆT NAM

PVN đưa bằng chứng tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN
Việc 3 tàu Tuần tra biển chiến đấu (hay còn được gọi với cái tên nhẹ nhàng hơn là Hải giám) của Trung Quốc mang số hiệu 12, 17, 84 tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam hàng vài chục hải lý và uy hiếp, cắt cáp thăm dò, cản trở hoạt động của tàu địa chấn Bình Minh 02, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã ngay lập tức gây phẫn nộ trong dư luận trong và ngoài nước. 

Theo tính toán của Bộ đội Biên phòng, địa điểm xảy ra vụ việc chỉ cách Mũi Đại Lãnh (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) khoảng 128 km và nằm trong vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa. Nơi đây thuộc địa bàn quản lý của Vùng 4 Hải Quân và cũng rất gần quân cảng Cam Ranh, nơi đang tập trung các tàu chiến đấu hiện đại nhất Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ bảo vệ Quần đảo Trường Sa.

Đặc biệt, nơi xảy ra vụ việc cũng rất gần sân bay Thành Chơn (hay còn gọi là Căn cứ Không quân Phan Rang, đóng tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận), nơi được xem là tập trung những máy bay hiện đại nhất của Không quân nhân dân Việt Nam, luôn trực chiến sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ, chi viện cho Quần đảo Trường Sa (cách đó khoảng 600 km về phía Đông).

Xin giới thiệu một số tấm hình chụp ngay tại hiện trường xảy ra vụ việc:


Dây cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu Hải giám Trung Quốc cắt đứt
Tàu Hải giám 84 vi phạm lãnh hải Việt Nam, đang uy hiếp tàu Bình Minh 02
Tàu Bình Minh 02
(Ảnh: TTXVN phát)

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

HUYỆN QUẢNG TRẠCH TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI

HUYỆN QUẢNG TRẠCH TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
Quảng Trạch: Toàn cảnh - Tiềm năng và thế mạnh
Quảng Trạch là một huyện lớn nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, nằm trải dài từ toạ độ 17042’ đến 17059’ Vĩ Bắc và từ 1060 15’ đến 1060 34’ Kinh đông, có đường thiên lý Bắc - Nam đi qua suốt từ Đèo Ngang đến Sông Gianh dài gần 34 Km. Quảng Trạch có vị trí phía Bắc giáp với tỉnh Hà tĩnh, phía Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Tây giáp huyện Tuyên Hoá và phía Đông giáp Biển Đông. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 612km2, tổng dân số gần 199 ngàn người, mật độ dân số bình quân khoảng 325 người/km2.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm và làm việc tại huyện Quảng Trạch
Là huyện đồng bằng nhưng Quảng Trạch vẫn có cả rừng và biển, nhiều nơi rừng chạy sát bờ biển. Vùng đồng bằng tuy nhỏ nhưng có các hệ thống giao thông, sông ngòi đảm bảo thuận tiện cho quá trình phát triển kinh tế. Huyện có hai con sông chính đó là Sông Gianh và Sông Roòn, đồng thời có một hệ thống suối nhỏ chằng chịt, có khả năng nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các đập hồ thuỷ lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, ổn định môi trường trong lành.
Theo các số liệu điều tra, Quảng Trạch có 3 hệ thống đất đai cơ bản được hình thành trên hệ thống phong hoá: chủ yếu ở vùng đồi núi chiếm 78,2%, đất phù sa chiếm tỷ lệ 16,7%, vùng đất cát ven biển chiếm tỷ lệ 5,1%. Huyện nằm trong vùng khí hậu duyên hải miền trung Việt Nam, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa hai miền Nam - Bắc với 2 mùa chủ yếu là mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 8) và mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).
Trong tổng diện tích 612 km2 có trên 10.000 ha đất nông nghiệp, 29.000 ha đất lâm nghiệp, 3.000 ha đất chuyên dùng, 11.225 ha đất chưa sử dụng (Trong đó có 600 ha đất bãi bồi, 10.000 ha đất đồi núi có khả năng khai thác để trồng cây lâm nghiệp, đặc biệt có khoảng 1.500 ha đất đồi có độ phù sa độ mùn dày dưới 1 mét, có khả năng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả cho năng suất cao).
Quảng Trạch có tổng diện tích rừng khoảng 8.500 ha với trữ lượng khoảng 648.000 m3 gỗ, trong đó có khoảng 3.000 ha rừng tái sinh hơn 10 năm, có những khu rừng tái sinh như ở Quảng Lưu đã tạo được một khu rừng tái sinh rộng lớn, có thảm thực vật phong phú, nhiều động vật hoang dã được bảo tồn đang tái sinh nhanh chóng. Toàn huyện có hơn 4.000 ha thông nhựa đang được giữ gìn, bảo quản và thu hoạch mổi năm có trên 750 tấn nhựa thông. Đặc biệt các vùng rừng đầu nguồn của các hồ đập thuỷ lợi được bảo vệ an toàn và nghiêm ngặt. Từ đó có chiều hướng tạo ra nhiều cảnh quan, mở ra các chương trình du lịch sinh thái phong phú, đầy triển vọng trong tương lai. Huyện có bờ biển dài 32,4 km, có hệ thống hồ đập sông ngòi, mặt nước, bờ sông, bãi biển khá rộng lớn, tạo nên nguồn lợi tự nhiên khá phong phú.
Tài nguyên khoáng sản cũng là một thế mạnh của Quảng Trạch. Theo số liệu khảo sát về các danh mục khoáng sản, trên địa bàn Quảng Trạch có nhiều khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là quặng Titan, cát Thạch Anh có trữ lượng khoảng 35 triệu m3 với hàm lượng SI02 cao có khả năng lớn trong việc sản xuất các mặt hàng pha lê cao cấp. Bên cạnh đó là trữ lượng lớn Than bùn khoảng 1 triệu m3, có khả năng cung cấp chất đốt và sản xuất phân vi sinh đã và đang được khai thác. Ngoài ra còn có một trữ lượng lớn về Đá vôi và Đất sét có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng gạch và xi măng.
Về nguồn nhân lực, Huyện Quảng Trạch hiện có lực lượng lao động 95.809 người, chiếm 49,8% dân số, trong đó lao động nữ có 48.862 người, chiếm gần 51% tổng số lao động. Nguồn nhân lực phân bố trong các ngành kinh tế như sau: Nông nghiệp chiếm 63,2%; Lâm nghiệp: 2,5%; Ngư nghiệp: 7,2%; tiểu thủ công nghiệp: 16,2%; Thương mại dịch vụ: 3,9%; Lao động khác: 6,0%. Đặc điểm nguồn nhân lực của Quảng Trạch là cần cù, chịu khó, sáng tạo tích cực để phát triển các ngành nghề, ổn định sản xuất, vươn lên xoá đói giảm nghèo. Quảng Trạch hiện có hai lĩnh vực ngành nghề chủ yếu: Về nghề truyền thống có: nghề mộc, rèn, đan tre, đan mây, làm nón, chế biến nông sản, sản xuất muối và phát triển thêm các nghề mới như: sản xuất vật liệu xây dựng (nấu thép, làm đinh), làm tre đan xuất khẩu. Đặc biệt sắp tới sẽ có một số làng nghề mới được hình thành sẽ tạo điều kiện cho việc đưa các nghề mới vào trong cơ cấu nghề nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm tập trung sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường du lịch trong tỉnh cho Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La và xuất khẩu, chế biến một số mặt hàng nông sản và hải sản.
Những thành công của hôm nay
Với việc khai thác có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng và phát huy tối đa các nguồn lực, những năm gần đây nền kinh tế của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực với tốc 
Thủ tướng Phan Văn Khải
Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ khởi công xây dựng khu công nghiệp và cảng biển Hòn La nằm trên địa bàn huyện Quảng Trạch
độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, các chương trình kinh tế trọng điểm, nhất là chương trình nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản đã phát huy hiệu quả, sản lượng nuôi trồng tăng bình quân hàng năm từ 50-60%, tỷ lệ xuất khẩu đạt 40%. Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng được nâng cấp, xây dựng theo hướng kiên cố hoá. Các lĩnh vực văn hoá xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Riêng năm 2003, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn huyện đã tăng 13,7%, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp tăng 11,4%. Huyện đã chỉ đạo các địa phương và nhấn dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá tăng cường công tác khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có năng suất, hiệu quả kinh tế cao.Tổng sản lượng lương thực đạt 44.836tấn, tăng 8,5% so với năm 2002. Chăn nuôi phát triển nhanh, đa dạng cả về số lượng lẫn chất lượng các đàn gia súc, gia cầm. Trong lĩnh vực thuỷ sản, huyện đã thực hiện nhiều chính sách đổi mới, hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đầu tư cho nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, sửa chữa, đóng mới phương tiện phục vụ cho công tác đánh bắt xa bờ. Toàn Huyện đã đầu tư đóng mới và sửa chữa được hơn 80 chiếc tàu, thuyền các loại, nâng tổng số tàu thuyền lên 1.709 chiếc với tổng công suất 42.549 CV. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá với giá trị tổng sản lượng đạt trên 85tỷ đồng. Thực hiện 4 chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, Huyện đã xây dựng triển khai chương trình tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2001-2005. Hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường củng cố, xây dựng với tổng số vốn đầu tư trong năm đạt 127,2 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ không ngừng được mở rộng, hàng hoá, vật tư phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá xã hội cũng được huyện quan tâm và đầu tư phát triển.
Trong năm 2004 này, Huyện phấndấu nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 8,5%, giá trị tổng sản phẩm xã hội tăng 16,8%. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 13,6%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 15% và thương mại, dịch vụ tăng 22%. Đồng thời Huyện quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm, phấn đấu đến năm 2005 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 10,3%.
Quảng Trạch đang đứng trước vận hội mới để phát triển, có cả thuận lợi xen lẫn những thách thức và khó khăn. Vấn đề là phải biết nắm bắt và vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách và pháp luật, cũng như khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mình. Đó là một yêu cầu tất yếu khách quan để hướng về phía trước, cao hơn, tiến xa hơn. Với vị trí nằm trung tâm trên trục đường giao lưu của Quốc lộ 12 A đi Lào - Thái Lan - Mianma với Quốc tộ 1A và Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, Cảng vụ Cửa Gianh...Thêm vào đó, là Khu thương mại Ba Đồn vốn truyền thống buôn bán, trao đổi hàng hoá trong khu vực rộng lớn của tất cả các huyện phía bắc Quảng Bình với một số huyện phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại Huyện Quảng Trạch đang thực hiện quy hoạch đô thị cho Thị trấn Ba Đồn, thị tứ Roòn, thị tứ Hoà Ninh. Đặc biệt, đầu năm 2004 HĐND Huyện đã có Nghị quyết về việc xây dựng đề án lập quy hoạch phát triển thị trấn Ba Đồn trở thành đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại IVvào năm 2007. Điều này thể hiện ý chí và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trạch trong công cuộc thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
  
Nghề nón truyền thống
Nghề nón truyền thống ở xã Quảng Thọ huyện Quảng Trạch
Mặt khác, Quảng Trạch có điều kiện tự nhiên đa dạng, có biển, rừng, đồng bằng, tài nguyên, khoáng sản, nguyên liệu, nhà máy, bến cảng lớn, khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Bình, và một thị trường rộng lớn, có khả năng giao lưu, trao đổi hàng hoá rộng rãi trong và ngoài nước. Đặc biệt, có nguồn lợi lớn về thuỷ sản, chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng. Quan trọng hơn, Huyện có nguồn nhân lực dồi dào, truyền thống văn hoá tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, người dân Quảng Trạch đoàn kết, sống thuỷ chung, thân tình, hữu ái, luôn nâng đở đùm bọc lẫn nhau, ai ai cũng tự giác chấp hành đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kể từ khi có chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Quảng Trạch đã có nhiều đổi mới sâu sắc trong cách nghĩ cách làm, đem lại nhiều hiệu quả đáng phấn khởi trên nhiều mặt, tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân, từ đó huy động được mọi nguồn lực để xây dựng quê hương và cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.
Hiện tại Quảng Trạch còn nhiếu tiềm năng chưa được khai thác, vì vậy Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Quảng Trạch mong muốn, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư vào Quảng Trạch trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển dịch vụ du lịch, ngành nghề, hệ thống giáo dục các cấp, y tế, thực hiện các chương trình nhân đạo đối với các đối tượng chính sách và người tàn tật. Đặc biệt là các dự án lớn sau đây: Nhà máy sản xuất Thuỷ tinh cao cấp tại Quảng Xuân, một số Khu chế xuất phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô và các phụ kiện máy móc khác tại Quảng Phú, nhằm tạo ra bước phát triển liên hoàn với Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, Cảng vụ Sông Gianh và Đường xuyên Á - Quốc lộ1A để thực sự vươn xa, giao lưu, trao đổi hàng hoá với các nước Lào,Thái Lan và Mianma.
Kết luận
Bằng định hướng đúng đắn, phù hợp với điếu kiện và tình hình thực tiễn của địa phương, Huyện QuảngTrạch đang dần bứt phá khỏi đói nghèo, vươn lên xây dựng đời sống ấm no, giàu mạnh. Đồng thời, từng bước thúc đẩy phát triển nhanh,vững chắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. /.
Nguồn: Quảng Bình Thế và Lực mới trong thế kỷ XXI

GS-TSKH-NSND-KTS NGUYỄN THẾ BÁ

GS-NGND Nguyễn Thế Bá

(BAVN Online) Gần 50 năm làm công việc giảng dạy, quản lý và xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân, Kiến trúc sư (GS - TSKH - NGND - KTS) Nguyễn Thế Bá đã để lại trong lòng nhiều thế hệ sinh viên ngành kiến trúc, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị Việt Nam hình ảnh về một người thầy, một nhà khoa học đáng kính đã có công đặt nền móng cho ngành quy hoạch đô thị Việt Nam...
Trong thực tế, ngành quy hoạch đô thị ở Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng kể trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tuy vậy công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách. Nó đòi hỏi phải có tư duy mới với những quan điểm và kiến thức khoa học sáng suốt vì lợi ích lâu dài của sự phát triển bền vững, văn minh hiện đại của đô thị Việt Nam. Và đó cũng chính là những nghĩ suy và trăn trở luôn thường trực trong cõi lòng của GS Nguyễn Thế Bá.

 GS – TSKH – NGND – KTS Nguyễn Thế Bá (7/2010).

GS Nguyễn Thế Bá (ngoài cùng, bên phải) tham gia phương án quy hoạch thị xã Đồng Hới (nay là Tp. Đồng Hới),
tỉnh Quảng Bình.

GS Nguyễn Thế Bá tại hội thảo quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam.

GS Nguyễn Thế Bá đã tham gia chấm và hướng dẫn nhiều luận lán tiến sĩ khoa học cấp nhà nước.

GS Nguyễn Thế Bá trong chuyến nghiên cứu điền dã tại vùng nông thôn.

Năm 2009, GS Nguyễn Thế Bá được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam.


Tiếp chúng tôi trong căn phòng bộn bề các bản thiết kế, các đồ án tốt nghiệp của sinh viên, GS Nguyễn Thế Bá bắt đầu câu chuyện về cái cơ duyên trở thành nhà quy hoạch đô thị của mình. Ông kể rằng, trong thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ mở một con đường nối từ Lai Châu (Việt Nam) sang Trung Quốc, và chẳng hiểu sao lần ấy mọi người lại chọn ông làm đội trưởng đội kỹ thuật và trực tiếp thiết kế vẽ con đường này. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), ông lại được cử đi học tại Ba Lan. Đến năm 1964 ông trở về nước với tấm bằng kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch đô thị đầu tiên của Việt Nam.
Trong lĩnh vực kiến trúc, các kiến trúc sư công trình thường chỉ chịu trách nhiệm thiết kế một công trình cụ thể. Trong khi đó, các kiến trúc sư quy hoạch lại phải đảm nhiệm một khối lượng và quy mô công việc rộng hơn, đó là phải tổ chức một không gian kiến trúc với nhiều công trình kiến trúc đơn lẻ khác. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư quy hoạch ngoài chuyên môn chính còn đòi hỏi phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, xã hội, về hạ tầng cơ sở, giao thông... bởi đó chính là những yếu tố xương sống của quy hoạch đô thị. Với GS Nguyễn Thế Bá, những kiến thức ấy dường như đã được ông đúc kết, tích lũy một cách dày dặn qua bao nhiêu năm công tác của mình. Có lẽ vì thế mà trong con người ông, người ta dễ dàng nhận thấy một tư duy uyên bác của người làm khoa học, một tính cách rõ ràng, mạch lạc và cương trực, cứng rắn của người từng kinh qua công tác quản lý lâu năm.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, ông đã tham gia thiết kế quy hoạch các khu vực biển tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Bên cạnh đó, do yêu cầu về quy hoạch các vùng nông thôn để cung cấp lương thực cho chiến tranh, nên năm 1966–1967 ông đã dẫn đầu đoàn sinh viên ngành kiến trúc về ăn ngủ tại từng thôn xã ở miền Bắc để trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ngay tại địa phương. Ông cho rằng, các nội dung bài giảng phải luôn gắn với thực tế, chính vì vậy việc sinh viên được đến tận nơi trên mỗi nông trường, công trường sẽ giúp cho họ có thêm nhiều kiến thức, nhất là kiến thức thực tế.
Trải qua 46 năm trong ngành, GS Nguyễn Thế Bá đã trực tiếp đào tạo được hơn 20 tiến sĩ và hàng trăm kiến trúc sư. Trong số đó có nhiều người đã trưởng thành và nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong các Bộ, ngành và có nhiều đóng góp thiết thực cho ngành kiến trúc Việt Nam nói chung và lĩnh vực quy hoạch đô thị nói riêng. Và đối với họ, GS Nguyễn Thế Bá mãi mãi là người thầy lớn và là niềm tự hào của ngành quy hoạch đô thị Việt Nam./.
GS - TSKH - NGND - KTS Nguyễn Thế Bá - Sinh ngày 12/12/1936
- Năm 1992: Nhận học vị Tiến sĩ Khoa học.
- Năm 1996: Được Nhà nước phong học hàm Giáo sư.
- Từ 1998 tới nay là Chủ tịch và Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đô thị Nông thôn.
Một số công trình khoa học tiêu biểu: Đô thị học, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam và thế giới; Đô thị hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
các nước đang phát triển; Nhà ở và đơn vị ở đô thị hiện đại - xã hội học nhà ở;
Thiết kế đô thị và tổ chức không gian kiến trúc đô thị nông thôn…

ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN VỀ TÊN PHƯỜNG CỦA THỊ XÃ BA ĐỒN SẮP TỚI

Đề xuất về số phường và tên gọi các phường thuộc thị xã Ba Đồn sắp tới

Nguyễn Hữu Chỉnh

LTS : Ngày 26.10.2009, Ban Chủ nhiệm Website Caucaquangbinh.com nhận được một lá thư đề tên người gửi là bác Nguyễn Hữu Chỉnh, một người con của đất Phan Long (tức Ba Đồn ngày nay) đang công tác và sinh sống tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nội dung của lá thư này là những đề xuất, góp ý liên quan đến việc thành lập thị xã Ba Đồn trong thời gian tới. Ban chủ nhiệm QBFC nhận thấy đây là những ý kiến xây dựng quê hương rất tâm huyết của một người con Quảng Bình đang sống xa quê nhưng tấm lòng luôn hướng về Đất Mẹ. Những ý kiến này lại rất trùng hợp với tâm nguyện của rất nhiều người con Ba Đồn hiện đang sinh sống tại quê nhà. Ngoài ra, trong lá thư này còn chứa đựng nhiều thông tin về quê hương Phan Long, rất bổ ích cho các bạn trẻ tìm hiểu và học hỏi. Chính vì thế, Ban chủ nhiệm QBFC xin phép được đăng nguyên văn lá thư này để các bạn cùng tham khảo. Xin trân trọng cám ơn bác Nguyễn Hữu Chỉnh đã tin tưởng gửi lá thư này cho chúng tôi! Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đã xem topic này!

*
* *

Ngày 14-8-2009 vừa qua, đoàn công tác của Tỉnh uỷ, HĐND và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra và kết luận kết quả thực hiện công tác quy hoạch, nâng cấp thị trấn Ba Đồn lên đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn. Đây là tin vui không chỉ riêng cho bà con quê nhà mà cho cả những người con đang sống xa Đất Mẹ.

Chủ trương xây dựng nâng cấp đô thị thị trấn Ba Đồn và tích cực làm công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị cho Ba Đồn sớm trở thành thị xã là một chủ trương sáng suốt, một quyết sách giàu tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh nhà và huyện Quảng Trạch. Đó cũng là sự nỗ lực phấn đấu xây dựng tầm vóc quê hương, là tâm nguyện lâu nay của bà con nhân dân thuộc địa giới hành chính thị xã Ba Đồn sắp tới và cả những người con thuộc khu vực đó đang công tác, sinh sống lập nghiệp xa quê.

Ba Đồn thành thị xã sẽ là động lực, là đầu tàu thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, … cho khu vực Bắc Quảng Bình. Ý nghĩa thực tiễn quan trọng này chắc đã được phân tích đánh giá kỹ lưỡng trong luận chứng Kinh tế - Kỹ thuật - Xã hội của Đồ án qui hoạch nâng cấp thị xã cho thị trấn Ba Đồn. Riêng về việc thành lập các đơn vị hành chính thuộc thị xã Ba Đồn, tôi xin được góp ý như sau.

Ngoài 5 xã ngoại thị (Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Thọ, Quảng Phúc, Quảng Thuận), nội thị cần có nhiều phường hơn, trước mắt nên chia thành 4 phường thay vì 3 phường là phường 1, phường 2, phường 3 như trong Đồ án qui hoạch.

Theo Quyết định thành lập đơn vị hành chính thị trấn Ba Đồn ngày 26-6-1958 của Uỷ ban hành chính Liên khu IV, thị trấn Ba Đồn gồm có 4 khu phố với tên gọi là : Long Thành, Long Thị, Long Hòa và Long Hảo. Khu phố Long Thành - trung tâm là Đình làng Phan Long; Khu phố Long Thị - trung tâm là chợ Ba Đồn; Khu phố Long Hòa - nơi đóng các trụ sở hành chính cũ của huyện Quảng Trạch, nay là khu vực Trường PTTH số 1; Khu phố Long Hảo - vị trí trung tâm gần cầu Kênh Kịa hiện nay. Bốn khu phố này đã gắn kết chặt chẽ với nhau góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa riêng có và nhân cách thành thị của người dân Ba Đồn (tên cũ là Phan Long). Dân gian địa phương quê nhà thường gọi là "Đất Bốn Rồng" (tục truyền, ngày xưa các cụ kể lại, Phan Long là gọi trạiz đi chữ Phân Long, nghĩa là vùng đất phân chia cho bốn con Rồng). Các hoạt động sản xuất, lễ hội, văn hóa, xã hội, … của 4 khu phố cũ Ba Đồn có nét riêng song lại rất gắn quyện với nhau về tính cách đặc thù thống nhất của người Phan Long - Ba Đồn. Tên tuổi 4 khu phố này đã được khắc sâu vào tâm khảm của các thế hệ công dân Ba Đồn với bao kỹ niệm sâu sắc về lịch sữ đấu tranh, xây dựng, phát triển và đặc biệt là thời kỳ phồn thịnh, sầm uất nhất của thị trấn Ba Đồn từ sau hòa bình 1954 đến trước cuộc chiến tranh huỷ diệt thị trấn bằng không quân của đế quốc Mỹ (1964-1972). Nay nếu Ba Đồn trở thành thị xã sẽ là cơ hội tốt nhất để trả lại 4 tên đó cho 4 khu phố cũ của thị trấn và nâng lên thành 4 phường nội thị của thị xã mới.

Vấn đề còn lăn tăn có thể là diện tích và dân số mỗi phường sao cho phù hợp với tiêu chí đơn vị hành chính nội thành cấp đô thị tương ứng. Tôi xin đề xuất giải quyết việc này bằng cách, điều chỉnh lại địa giới, dân số một số vùng phụ cận của các xã ngoại thành ghép thêm vào. Giả như,phường Long Thị lấy thêm một số thôn thuộc Quảng Thuận; phường Long Hòa lấy thêm một số thôn thuộc Quảng Thọ; phường Long Hảo lấy thêm một số thôn thuộc Quảng Phong, Quảng Long; phường Long Thành lấy thêm một số thôn thuộc Quảng Long, .v.v. Việc này chúng tôi nghĩ trong phạm vi và quyền hạn quản lý hành chính của tỉnh và huyện có thể kiến nghị trên làm được.

Với tên gọi các phường như trên sẽ tạo nên âm điệu rung cảm, dễ nhớ, dễ liên kết tâm hồnnhững người con có chung một dòng trong lý lịch về địa danh địa phương chôn nhau cắt rốn của mình, thay cho những con số 1,2,3, … khô khan, không ngữ điệu, ít xúc cảm, khó lưu vào tâm khảm lòng người - nhất là những người xa quê.

Trên đây là một số cảm nghĩ tâm huyết với Quê hương của chúng tôi - những người con Ba Đồn đang sống xa Đất Mẹ. Kính chuyển về quê nhà với hầu mong góp thêm tiếng nói chân thành xây dựng quê hương.

Nguyễn Hữu Chỉnh
- Nguyên quán : Khu phố Long Thành
TT Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình
- Trú quán : Nha Trang, Khánh Hòa